UBND Tp.HCM vừa chấp thuận báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc tiếp thu, hoàn chỉnh nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Theo đó, Sở đề xuất phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian thành phố cụ thể
Khu dân dụng: gồm khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, khu ngoại thành, các khu dân cư nông thôn, các khu cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, trọng tâm là TP. Thủ Đức, Khu đô thị - cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Tp.HCM Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP căn cứ chức năng nhiệm vụ, rà soát góp ý, cung cấp thêm thông tin đối với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch do Sở QHKT thực hiện.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các nội dung liên quan định hướng, kịch bản và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở QHKT trong công tác lập quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2040 và điều chỉnh quy hoạch TP năm 2040, tầm nhìn 2060.
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP, về quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn 2060 là 16 triệu người). Phân bổ dân cư dự kiến khu vực nội thành cũ từ 4,5-5 triệu người; TP. Thủ Đức 1,9 triệu người; khu vực nội thành phát triển từ 2,2-2,9 triệu người; khu vực ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu người; riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.
Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000-110.000ha; trong đó khu nội thành cũ khoảng 1.400ha; nội thành phát triển khoảng 35.000ha (bao gồm TP.Thủ Đức) và khu ngoại thành khoảng 50.000-60.000 ha.
Do đó, Nhiệm vụ quy hoạch chung TP cần nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển đô thị, định hướng phát triển không gian; định hướng phát triển hạ tầng xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược; dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện; quy định quản lý xây dựng.
Trong đó, định hướng phát triển không gian phải đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí không gian công cộng, đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội chất lượng. Điều chỉnh mô hình, cấu trúc không gian toàn đô thị có tính đến liên kết vùng.
Còn định hướng phát triển cho các khu vực đô thị: Tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật, không gian cho các đô thị hiện hữu. Nhưng phải đề ra các chỉ tiêu kiểm soát phát triển từng khu vực như: dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
Giải pháp cho các khu vực phát triển mới: xây dựng ý tưởng, mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố (TP. Thủ Đức). Xác định vị trí, vai trò các khu vực đô thị, các khu chức năng... trong đó có lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ. Xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển đối với các khu chức năng. Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, khu vực trung tâm, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian các khu vực.
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập