Theo Invert cập nhật : Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) đã đưa ra quyết tâm sẽ khởi công dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 10-2020 nhằm đưa sân bay vào khai thác năm 2025. Để kịp với tiến độ bàn giao mặt bằng. Ban Chỉ đạo dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Ban Chỉ đạo) đã quyết tâm dồn tổng lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Nội dung bài viết [Ẩn]
Dồn tổng lực 100% vào sân bay Quốc Tế Long Thành
Theo phương án thực hiện công tác thu hồi đất cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Sở Tài nguyên - môi trường sẽ thực hiện phần bồi thường thu hồi đất các tổ chức như: Tổng công ty cao su Đồng Nai, doanh nghiệp, các cơ sở tôn giáo và các tổ chức khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, khảo sát, đo đạc đối với Tổng công ty cao su Đồng Nai (khoảng 1.800 hécta), các cơ sở tôn giáo và các tổ chức khác. Trong tháng 3 này, sẽ tổ chức chi trả tiền bồi thường vườn cây cao su cho Tổng công ty cao su Đồng Nai và đôn đốc công ty thanh lý cây để bàn giao mặt bằng đối với 2 khu tái định cư là: Lộc An - Bình Sơn và phân khu 3 Bình Sơn. Sở sẽ tiếp tục thống kê đất, kiểm đếm tài sản, cây trồng, vật kiến trúc đối với các trường hợp còn lại. Đối với khu vực 5 ngàn hécta sân bay, sẽ ban hành thông báo thu hồi đất, tiến hành kiểm kê cây cao su, kiểm kê đất cùng tài sản trên đất ở các tổ chức khác.
Phần thu hồi đất của người dân được giao cho UBND huyện Long Thành triển khai. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay, huyện đã hoàn thành công tác gửi thông báo thu hồi đất cho 5.238 gia đình trong vùng dự án. Tổng số thửa đất phải thu hồi là 15.716 thửa với diện tích hơn 30 triệu m2 đất trên địa bàn 6 xã là: Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Long Phước, Long An và Bàu Cạn.
Ở dự án thu hồi đất cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành có rất nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có công tác giải quyết việc làm. Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn cũng là nơi được giới thiệu để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất
Ở dự án thu hồi đất cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành có rất nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có công tác giải quyết việc làm. Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn cũng là nơi được giới thiệu để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất
Để đảm bảo công việc, UBND tỉnh cũng đã điều động 51 cán bộ là công chức, viên chức ở các sở, ngành có liên quan xuống tăng cường cho UBND huyện Long Thành. “Hiện tại huyện đang tập huấn công tác đo đạc đất đai, kiểm đếm tài sản, cây trồng, vật kiến trúc cho các tổ để tiến hành thực hiện. Ngay sau khi nhân sự được bàn giao cho huyện, các cán bộ tăng cường đã xuống địa bàn nhằm chủ động nắm bắt, triển khai công việc” - ông Hưng nói.
Nhằm hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (Phó ban Chỉ đạo) cho hay Bộ đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thành lập tổ công tác gồm 10 người để phối hợp và hỗ trợ cho tỉnh trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng. “Các thành viên trong tổ công tác có trách nhiệm hỗ trợ địa phương giải đáp các vướng mắc liên quan và liên hệ kịp thời với các cơ quan của Bộ GTVT. Khi cần thiết, Đồng Nai có thể điều động nhân lực và thiết bị từ tổ công tác này tăng cường phục vụ giải phóng mặt bằng” - ông Thọ chia sẻ.
Theo Ban Chỉ đạo, việc thực hiện thu hồi đất cho dự án không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện mà còn huy động cả mặt trận, đoàn thể cùng vào cuộc.
Thanh tra và kiểm soát tiến độ từng ngày
Tại buổi họp giao ban Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (Trưởng ban Chỉ đạo) đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND huyện Long Thành phải thực hiện quyết liệt công việc theo yêu cầu đề ra và phải bám sát tiến độ. “Công tác giải phóng mặt bằng được xem là trọng tâm, vì vậy công việc phải tiến hành hết sức khẩn trương do không còn đường lùi, bởi mục tiêu đưa sân bay đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2025” - Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
Cũng theo người đứng đầu Ban Chỉ đạo, các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ công tác thực hiện giải phóng mặt bằng phải thể hiện trách nhiệm của mình. Tiến độ phải được kiểm soát chặt chẽ từng ngày, khâu nào chậm phải có biện pháp làm bù ngay cho kịp thời gian, vì chỉ cần chậm 1 ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án. Những khó khăn, vướng mắc buộc phải báo cáo ngay để có phương án tháo gỡ.
Làm việc với các cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng yêu cầu hàng tuần các tổ công tác phải có báo cáo tiến độ cho Ban Chỉ đạo. Trong các trường hợp vướng mắc, báo cáo ngay cho Sở Tài nguyên - môi trường để kịp thời giải quyết. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nói: “Công tác giải phóng mặt bằng không xa lạ gì với tỉnh, nhưng ở dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì phải làm song song cùng một lúc rất nhiều việc. Cùng trong thời điểm này, tỉnh cũng phải triển khai giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm khác như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3. Lượng công việc rất lớn, đòi hỏi lượng nhân lực đông, vì vậy rất cần sự tập trung”.
Thúc đẩy Nhanh, nhưng phải đúng quy định
Yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đòi hỏi nhanh để kịp tiến độ cho xây dựng. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong quá trình kiểm đếm, đo đạc phải được làm kỹ để tránh những phát sinh phức tạp về sau.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc triển khai các công tác giải phóng mặt bằng cần có sự thống nhất chung giữa các sở, ngành và UBND huyện Long Thành trên cơ sở “bám chặt” các quy định pháp luật để tránh trường hợp có sự “vênh” nhau trong thực hiện dẫn đến sau đó xảy ra khiếu kiện. Ngay cả công tác bố trí tái định cư cũng cần thực hiện khẩn trương nhưng phải tính toán, phân nhóm sao cho hợp lý để tạo sự đồng thuận của các hộ dân.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cũng đồng quan điểm: công việc yêu cầu triển khai nhanh nhưng không được làm ẩu và phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Vì đây là dự án lớn, nếu để xảy ra sai sót sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý do có tính dây chuyền và sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ chung. Theo đó, sân bay đưa vào khai thác chậm ngoài việc tăng chi phí đầu tư còn mất đi cơ hội phát triển kinh tế.
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập