Câu chuyện BĐS năm 2022 vẫn là việc giá BĐS nhà ở sẽ xu hướng tăng. Đây cũng là phân khúc tiếp tục dẫn dắt thị trường BĐS, trong khi các loại hình như BĐS thương mại, BĐS du lịch phục hồi chậm hơn. Trong đó, BĐS thương mại bị tác động bởi câu chuyện chuyển đổi số.
Đó là chia sẻ của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Gói kích thích kinh tế quy hoạch và cơ hội đầu tư BĐS năm 2022 do Cafeland tổ chức chiều 23/12/2021.
"Thị trường BĐS năm 2022 nhìn chung vẫn phát triển tốt. Tuy vậy, tốt cho người mua ở chứ không phải mua để đầu tư", TS Khương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này từng chia sẻ, với bối cảnh hiện tại, thị trường đang ấm lên, tiềm lực dựa vào người mua có nhu cầu ở thật, do vậy đó không phải thị trường ảo. Đối với những người có thu nhập vừa phải, trung cao thì sản phẩm BĐS chính là đại diện cho thị trường.
Bên cạnh đó, ngoài việc người mua có nhu cầu ở thật thì người đầu tư cũng rất tỉnh táo, họ chuyển hướng dòng tiền của họ sang những kênh đầu tư khác nhau chứng khoán, vàng và ngoại tệ.
Theo TS Khương, những sản phẩm có giá trị trung bình đến trung cao luôn là đại diện cho thị trường bất động sản đô thị. Nhu cầu sẽ giữ ở mức cao và không thay đổi nhiều. Nguồn cung dự án nhà ở sẽ tiếp tục hạn chế do dịch bệnh tác động đến tiến độ thực hiện dự án, chi phí đất tăng cao đẩy mặt bằng giá cũng gia tăng.
"Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn là thử thách, ảnh hưởng đến tộc độ tăng trưởng nền kinh tế, tuy nhiên giống như các thị trường khác trên thế giới, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo luôn là điểm nóng, nhu cầu của người dân luôn ở mức cao ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM", TS Khương nhấn mạnh.
Chia sẻ về câu chuyện BĐS trong năm 2022, TS Sử Ngọc Khương nhận định, vướng mắc của thị trường vẫn là pháp lý BĐS. Đây chính là yếu tố tính vào chi phí đầu vào, đẩy giá BĐS tăng cao.
Với nhà đầu tư cá nhân, theo TS Khương nhu cầu vẫn khá cao trên thị trường vào năm 2022, nhưng do giá tăng cao nên sẽ khó khăn cho người dân mua nhà tầm trung. Ở phân khúc giá từ 2-3 tỉ đồng dự báo sẽ tăng giá mạnh.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, sẽ không còn làm dự án theo kiểu quỹ đất nhỏ lẻ, bởi Tp.HCM cũng đã hết quỹ đất. Họ sẽ có chiến lược tìm quỹ đất tại các TP vệ tinh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai…với quy mô vài chục đến vài trăm héc-ta. Đồng thời, ý tưởng về quy hoạch dự án, gắn liền với cơ sở hạ tầng giao thông cũng là những cơ hội cho nhà đầu tư tổ chức vào năm 2022.
"Theo tôi, câu chuyện BĐS năm 2022 sẽ tích cực nếu gắn liền với cơ sở hạ tầng giao thông. Việc đẩy mạnh đầu tư công càn sớm càng tốt không chỉ tác động đến thị trường BĐS mà tác động tích cực của cả nền kinh tế", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo TS Khương, lướt sóng BĐS năm 2022 sẽ rất khó. Tuy vậy, giá BĐS sẽ có sự tăng đáng kể ở một số khu vực. Việc sốt đất thời gian qua không phản ánh cục diện thị trường BĐS.
"Tuy vậy, có một điều đáng nói, sức nén về nguồn cung và nhu cầu khiến nhu cầu tích luỹ tài sản của người dân chủ yếu vào BĐS và chứng khoán. Nguồn tiền của người dân không đổ vào sản xuất kinh doanh mà gần như đổ vào chứng khoán và BĐS đó là sự thiệt hại cho nền kinh tế", TS Khương nhấn mạnh.
Còn theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, BĐS năm 2022 giá BĐS vẫn xu hướng tăng, trung bình ở các phân khúc từ 5-8%. Do nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cao, giá BĐS vẫn tăng. Trong đó, giá BĐS khu công nghiệp tăng nhanh, trung bình 10% (có địa phương tăng 3%, có địa phương tăng 18%).
Theo vị chuyên gia này, phân khúc BĐS nhà ở, logistics, công nghiệp vẫn khả quan trong năm 2022, trong khi BĐS cho thuê, nghỉ dưỡng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
"Nhà đầu tư vẫn đánh giá tương đối cao với kênh đầu tư BĐS. Trong thời gian tới, doanh nghiệp BĐS cần tận dụng câu chuyện quỹ đất, sản phẩm mới, chuyển đổi số, đa dạng hoá nguồn vốn, quản trị nguồn lao động, rủi ro… chuyên nghiêp hơn", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập