Wiki

5 điều bác hồ dạy thiếu niên, nhi đồng? Nguồn gốc và ý nghĩa?

Từ lâu, 5 điều bác hồ dạy chính là bài học vỡ lòng vô cùng quý giá và đã trở thành mục tiêu phấn đấu của các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Vậy 5 điều Bác Hồ dạy là gì, 5 điều Bác Hồ dạy có từ bao giờ và 5 điều Bác Hồ dạy có ý nghĩa như thế nào?

Cùng INVERT tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những lời dạy của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng bạn nhé!

5 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt

Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

1. 5 Điều Bác Hồ dạy là gì?

5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng chính là những lời căn dặn của chủ tịch Hồ Chí Minh với các thế hệ măng non của đất nước. Đây cũng là bài học quý giá bắt buộc mỗi học sinh phải học thuộc và noi theo. 

5 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY

  1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
  2. Học tập tốt, lao động tốt
  3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
  4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
  5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

2. Nguồn gốc 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng

Vào ngày 15/5/1961, nhân ngày Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam (15/5/1941 - 15/5/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Và cho đến ngày nay, bản thảo của bức thư vẫn còn được lưu giữ ở bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Trong thư Bác Hồ căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh,
Thật thà, dũng cảm”.

Nhưng bản in hoàn chỉnh trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ (sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965) thì 5 điều Bác Hồ dạy lại được ghi là:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

(Để mỗi câu đều có 6 chữ thì chữ “thật tốt” và chữ “khiêm tốn” được bổ sung vào 2 câu cuối cho đầy đủ).

Nguyên nhân chỉnh sửa được đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tiết lộ: "Để chuẩn bị phần thưởng cho giáo viên và học sinh vào cuối năm học 1965, Bác thấy 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng (1965 trở về trước), 3 câu đầu mỗi câu có 6 chữ còn 2 câu cuối mỗi câu chỉ có 4 chữ không cân đối. Cho nên Bác đã suy nghĩ và bổ sung thêm cho mỗi câu đủ 6 chữ.

Cụ thể, ở câu thứ 5, Bác thêm chữ “Khiêm tốn” vì từ năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh, ném bom bắn phá miền Bắc, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng 2 để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” nên xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt việc tốt” ở mọi lứa tuổi.

Ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Bác không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Bác còn đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Bác nói: “ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào...

Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy”.

Từ đó, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã trở nên phổ biến khắp các trường học ở Việt Nam. Nghe theo lời dạy của Người, thiếu niên, nhi đồng hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt” và phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt” góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước. 

Cho đến ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, 5 điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng vẫn là bài học quý giá các em nhỏ và mỗi người dân chúng ta có thể ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo.

3. Ý nghĩa 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi, nhi đồng

Tuy là bài học vỡ lòng bắc buộc các em thanh thiếu niên, nhi đồng phải ghi nhớ và thuộc. Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những lời dạy này. Cùng INVERT tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc ngay sau đây:

* Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

- Yêu Tổ quốc: Là mỗi người dân phải có những hiểu biết cơ bản về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Cùng nhau hăng hái tham gia, phát huy và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp này. Một trong số những việc làm có thể kể đến điển hình như học Lịch Sử và Địa Lí của các em học sinh. 

- Yêu đồng bào: Là tình yêu thương dân tộc được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày (cách giao tiếp, cư xử với mọi người xung quanh, với gia đình, bạn bè, thầy cô,...). Đồng thời, nó cũng được thể hiện với sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và trong cuộc sống. 

* Điều 2: Học tập tốt, lao động tốt.

- Học tập tốt: Là việc xác định đúng động cơ, thái độ học tập ở tất cả các môn học. Không chỉ học trong sách vở mà các em học sinh còn phải học tập thêm ở bên ngoài (chuẩn bị dụng cụ học tập đầy đủ, biết lắng nghe, biết vâng lời,...)

Lao động tốt: Là việc yêu quý lao động, trân trọng những thành quả, giá trị lao động của mình và người khác mang lại. Đồng thời, việc lao động cũng phải có tính tập thể, tích cực, hăng hái tham gia (trực nhật trường lớp; chăm sóc tốt bồn hoa, cây cảnh trong nhà trường, giúp đỡ cha mẹ, anh, chị, em,...). Suy cho cùng, lao động giúp mỗi người có thể hình thành thói quen tốt, nâng cao sức khỏe, tính kiên trì và sự nhẫn nại. 

* Điều 3: Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Đoàn kết tốt: Là tính đoàn kết được thể hiện trong các mối quan hệ (bạn bè, anh, chị, em trong gia đình, tập thể cộng đồng). Trong học tập, bạn bè cũng phải biết giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu tiến bộ trong học tập. 

Kỷ luật tốt: Được thể hiện trong việc chấp hành tốt nội quy nhà trường và những quy định nơi công cộng. 

* Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh ở nhà, trường học, nơi công cộng,...Điển hình như việc bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ở trường học, nhà ở,...Về bản thân, cũng phải biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống, đầy tóc gọn gàng,...

* Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Khiêm tốn: Là cách thể hiện không kiêu căng, không ngạo mạn, biết ngoan ngoãn, lễ phép với ông bà, thầy cô và cha mẹ. Đồng thời, cũng phải biết tôn trọng người lớn tuổi, nói năng nhẹ nhàng,...

Thật thà: Là tính trung thực, không dối gian trong học tập và trong cuộc sống. Rèn luyện lối sống trung thực với mọi người, ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè,...

Dũng cảm: Là đức tính quý giá trong mỗi con người, biết nhìn nhận những khuyết điểm, thiếu sót của mình và được mọi người yêu quý.

4. Phương pháp rèn luyện, giáo dục theo 5 Điều Bác Hồ dạy

Đầu tiên, trong công tác giáo dục, cần để cao phương pháp nêu gương, người tốt, việc tốt. 

Đề cao, nêu gương, khen thưởng những cá nhân xuất sắc có tư cách, có đạo đức để các em thanh thiếu niên noi theo. Từ đó, có thể định hình được đường đi, phương hướng hoàn thiện, ưu điểm sẵn có nhằm nâng cao trình độ, tiến bộ, khắc phục những khó khăn, khuyết điểm. Cũng theo đó, cha mẹ, thầy cô phải là người đi trước để nêu gương, dẫn đường cho các em. 

Thứ hai, kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường.

Trường học không chỉ là nơi chuyên về mảng giáo dục mà còn là nơi để các thế hệ trẻ phát triển trí tuệ và nhân cách. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để các thế hệ măng non có thể tiếp thu văn hoá thông qua sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Đồng thời, sự giáo dục này còn phải gắn liền với gia đình để tạo cho các thế hệ trẻ một môi trường phát triển toàn diện, an toàn, lành mạnh, ngăn chặn những biểu hiện sai lệch, định hướng được tương lai. 

Thứ ba, nâng cao vai trò của cán bộ phụ trách thiếu niên.

Thầy cô, người phụ trách quản lý các em nhi đồng, thanh thiếu niên là người đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Không chỉ là người truyền cảm hứng để trẻ nhỏ biết vui chơi, học hành mà họ còn phải là người chỉ bảo các em phải biết quý trọng lao động, giữ kỷ luật, vệ sinh, văn hóa nơi công cộng...

Thứ tư, giảm áp lực học tập, tăng các hoạt động ngoại khóa dành cho trẻ em.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ cùng những áp lực trong việc học hành mà trẻ em dần có biểu hiện stress, lo âu hay trầm cảm. Chính vì thế, thầy cô và các bậc phụ huynh cần phải theo dõi sát sao, không nên gây áp lực cho con trẻ cũng như tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh. Hãy là một người bạn của trẻ, đồng hành là hướng dẫn trẻ đi đúng hướng. 

Thứ năm, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin mà các thế hệ trẻ ngày nay đều sở hữu riêng cho mình một chiếc điện thoại. Cùng với những lợi ích mà việc tiếp cận công nghệ mang lại thì đôi lúc trẻ em chính là nạn nhân của các trò lừa đảo, phạm pháp, thậm chí bị bắt nạt trên mạng. Chính vì thế, để đề phòng tình trạng này, các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, trang bị những kiến thức bổ ích, truyền tải cho trẻ những cách tự bảo vệ bản thân,... để có thể đề phòng và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật kịp thời. 

5. Làm bài văn về 5 điều bác hồ dạy (Mẫu)

Đề 1: Viết một đoạn văn ngắn về 05 điều Bác Hồ dạy

Nhớ ngày nào mới chập chững bước chân đầu tiên vào ngôi trường tiểu học. Tiết học đầu tiên đã được cô giáo dạy về ” 5 điều Bác Hồ’. Và những điều Bác Hồ dạy đã theo em trên suốt quãng thời gian đi học. 

Bác Hồ không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người đã chèo lái con thuyền cách mạng cập bến bờ độc lập, tự do như ngày hôm nay. Bác Hồ dù bận rộn công việc như thế nào nhưng vẫn luôn quan tâm đến thiếu niên nhi đồng, những chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi năm đến trung thu Bác đều viết thư gửi thiếu nhi, chúc các cháu học tập tốt, thông báo tình hình trong một năm qua. Vậy nên, “5 điều Bác Hồ” dạy cũng là lời nhắc nhở trách nhiệm và nghĩa vụ của thiếu nhi.

Bác dạy thiếu nhi:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Học tập tốt, lao động tốt.

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.”

Thiếu nhi cả nước luôn luôn học tập và rèn luyện theo đúng 5 điều Bác Hồ dạy. Bác nhắc nhở chúng ta cần phải có lòng yêu nước, yêu đồng bào, yêu con người. Vì tất cả những chiến thắng sau này cũng nhờ tinh thần yêu nước của nhân dân đã được rèn luyện từ nhỏ. Bác Hồ cũng đã nói ” Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” vậy nên điều thứ hai Bác muốn nói đến trách nhiệm của thiếu nhi là học tập và lao động điều gì cũng nên làm tốt. Ngoài ra, cần phải đoàn kết, yêu thương với các bạn nhưng cần phải có sự kỷ luật. Bác còn nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh cũng là giữ gìn sức khỏe của bản thân thật tốt. Cuối cùng đó là những đức tính cần có và cần được rèn luyện từ khi còn nhỏ. 

Chúng ta đã có những tấm gương sáng làm theo lời dạy của Bác Hồ. Đã tạo nên những con người đã làm nên lịch sử. Qua “05 điều Bác Hồ dạy” chúng ta thấy được tình yêu thương của Bác đối với đàn cháu nhỏ. Bác muốn thiếu nhi cần rèn luyện những đức tính tốt từ khi còn nhỏ, vì họ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Muốn đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?” là phải dựa vào “công học tập của các cháu”.

Dù trong giai đoạn nào, thời kỳ nào thì thiếu nhi chúng ta vẫn luôn phải học tập và làm theo “5 điều Bác Hồ dạy”. Hãy cùng nhau phấn đấu để không phụ lòng đợi vào các cháu của Bác.

Đề 2: Cảm nhận về điều thứ 5 trong 5 Bác Hồ dạy

Bác Hồ lãnh tụ của dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Bác không chỉ cống hiến cho đất nước bằng sự nghiệp chính trị mà còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể chúng ta. Tình yêu thương của bác dành cho toàn thể nhân loại, đặc biệt đối với thiếu niên nhi đồng. Biểu hiện của tình yêu ấy là năm điều Bác Hồ dạy, trong đó có: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đó là đức tính rất tốt đối với mỗi chúng ta .Chúng ta cùng đi tìm hiểu ý nghĩa lời dạy của Bác để thực hiện tốt điều răn dạy ấy là ta đã không phụ tấm lòng thương yêu của Bác.

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm là gì? Khiêm tốn là không tự đề cao, không coi thường người khác, không khoe khoang, thấy được cái non kém của bản thân, có ý thức học bạn bè và mọi người. Thật thà là không gian dối, nói đúng sự thực, ngay thẳng ở mọi lúc, mọi nơi. Dũng cảm là gan dạ, dám nghĩ dám làm, dám chịu, không ươn hèn, không sợ quyền uy, bạo lực.

Vì sao chúng ta phải có các đức tính ấy,bởi lẽ có các đức tính ấy ta được mọi người kính trọng, được mọi người yêu mến. Nếu tài giỏi mà kiêu ngạo sẽ làm mọi người xa lánh ta. Nếu ta gian dối mọi người sẽ không tin tưởng, coi thường ta. Trong học tập và công tác, ta gặp nhiều khó khăn, không dũng cảm làm sao hoàn thành được các nhiệm vụ. Đó là cơ sở  là rèn luyện phẩm chất cao quý như lòng trung thành, sự tận tụy, hi sinh vì đất nước, có tác phong gần gũi và học tập quần chúng để ngày càng được tiến bộ. Các bạn học sinh giỏi toàn quốc vẫn khiêm tốn học tập, rèn luyện. Các nhà bác học vẫn khiêm tốn trả lời: “Bác học không có nghĩa là ngừng học” (lê-nin)

Là một học sinh, là đội viên ta luôn ghi nhớ lời dạy của Bác  và cố gắng rèn luyện thường xuyên. Khiêm tốn ta sẽ học hỏi biết bao tấm gương sáng từ các bạn chung quanh ta: học giỏi, nghèo vượt khó, trung thực trong công tác, làm bài, dũng cảm cứu bạn không biết bơi,….

Đây là lời răn dạy quý báu, biểu hiện tình thương yêu của Bác. Thực hiện điều dạy của Bác ta sẽ trở thành cháu ngoan Bác hồ. Năm điều Người dạy là ánh đuốc soi đường cho ta rèn luyện thành người tốt, người hữu dụng của đất nước.

Đề 3: Hãy viết bài văn ngắn về 05 điều Bác Hồ dạy

Học sinh làm theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành một người công dân tốt. Các điều này được Bác Hồ nói rất rõ rằng :

“Yêu Tổ Quốc , yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết toàn, kỉ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà dũng cảm”

Đầu tiên, trên tinh thần của một học sinh nước Việt Nam – một nước đã có chủ quyền. Ta phải yêu nước, yêu dân, yêu mọi người cùng màu da, cùng chủng tộc. Bản thân học sinh không được phân biệt để từ đó dẫn đến biệt thị các bạn học sinh cùng lớp nhưng có một số đặc điểm khác nhau. Cùng là người công dân Việt Nam, ta phải yêu thương đoàn kết giúp đỡ để cùng nhau trở thành học sinh chăm ngoan xứng đáng với cháu ngoan Bác Hồ. Điều thứ 2 trong lời Bác dạy là một điều đúng đắn: “Học tập tốt, lao động tốt”. Học sinh đi học phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Đương nhiên, trong quá trình học tập ta phải biết lắng nghe để tiếp thu được những kiến thức bổ ích, vận dụng được vào trong cuộc sống thực tiễn cũng như trong các bài tập về nhà. Đúng như vậy, “học đi đôi với hành” thật hữu ích, điều đó đã làm cho nhân cách của học sinh trở lên trong sáng và tốt đẹp. Dẫn đến một kết quả học tập tốt và nghĩa vụ học sinh phải lao động tốt. Tinh thần đoàn kết là điều rất quan trọng, vì vậy mà nó chắc chắn được Bác Hồ dạy trong 5 điều này. Sự đoàn kết giúp ta cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách. Trong thế hệ học sinh cũng vậy. Khi đi học, một người không thể làm được một bài tập nhưng nhiều người với sự am hiểu, hiểu biết khác nhau thì sẽ xây dựng nên một lời giải hoàn chỉnh. Cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ khó khăn trong điều kiện học tập cũng là một hành động thể hiện kỉ luật và sự tôn trọng, thương người của một học sinh. Theo điều 4, Bác đã dặn ta phải giữ gìn vệ sinh. Mỗi cá nhân biết được ý thức của mình để từ đó xây dựng một cộng đồng học tốt, biết giữ gìn của công của nhà trường và xã hội. Cuối cùng, Bác đã nêu ra những phẩm chất cần có của một học sinh. “Cần cù thì bù siêng năng” , “khiêm tốn nhưng phải dũng cảm”,… những câu nói tuy ngắn gọn xúc tích nhưng đã nói lên tầm quan trọng của phẩm chất này trong ứng học dụng học tập. Có thể thấy rằng, người chăm chỉ, khiêm tốn sẽ có một kết quả học tập tốt và tiến xa hơn. Ngược lại, nếu ta tỏ thái độ không tốt với học tập thì nhận lại những kết quả không xứng đáng với thành tích. Không dừng lại ở phẩm chất cao quý đó, mà bản thân của ta phải biết khiêm tốn và dũng cảm. Chỉ với 5 dòng mà mỗi khi đến lớp ta lại thấy hình ảnh của nó hiện lên trước mắt. Nó như một lời nhắc nhở mỗi cá nhân học sinh, thế hệ sau này một điều vô cùng quý trọng của Bác Hồ . Một lẽ phải, tuy ngắn gọn súc tích nhưng nhiều hàm ý mà Bác Hồ muốn truyền đạt lại cho thế hệ học sinh sau này mặc dù Bác đã đi xa. Là một học sinh, ta cần thực hiện tốt những điều Bác dạy, để xứng đáng là con ngoan trò giỏi và để thực hiện được những mong muốn, nhu cầu của Bác : “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

Đề 4: Giải thích điều 2 trong 5 điều Bác dạy

Là học sinh, chúng ta đều đã được học về 5 điều Bác Hồ dạy. Mỗi một điều trong đó đều là những lời chỉ bảo tận tình của Bác dành cho thiếu nhi. 5 điều ấy, theo chúng ta cho tới suốt cuộc đời. Đối với bản thân em, điều nào em cũng đều thấm thía nhưng có lẽ điều thứ 2 là Học tập tốt, lao động tốt khiến em phải suy nghĩ nhiều nhất.

Muốn làm được đúng theo những lời Bác Hồ đã dạy thì chúng ta cần phải hiểu những lời Bác đã nói. Vậy thì như thế nào là học tập tốt đây? Chúng ta đều là những học sinh đang trong tuổi cắp sách đến trường. Việc học tập không phải là nghĩa vụ mà nó là quyền lợi của chúng ta. Trước đây sau khi nước nhà giành được độc lập, Bác Hồ đã quan tâm trước nhất tới việc diệt giặc dốt. Bác đề cao việc học tập bởi chỉ có học tập mới mang lại cho con người sự hiểu biết và chỉ có hiểu biết mới có thể giúp con người giữ vững được độc lập dân tộc. Không chỉ vậy, sự hiểu biết của con người sẽ đưa đất nước đi lên, sánh vai với năm châu trên khắp địa cầu. Sẽ không còn ai dám chê chúng ta hèn kém khi mà chúng ta có tri thức. Có tri thức, con người sẽ tự làm chủ cuộc sống của chính mình.

Học tập tốt là khi chúng ta đề ra được mục đích đúng đắn của việc học. Con người cần học tập tốt để làm gì? Có những người học tốt để sau này trở thành bác sĩ, kĩ sư. Có những người học tốt để sau này trở thành nhà giáo. Đó chính là những mục đích cao đẹp của việc học. Nhưng mục đích cao hơn nữa là học tập tốt để trở thành một con người có ích cho xã hội. Khi mà xã hội ngày càng phát triển không ngừng, nếu chúng ta không học, chúng ta sẽ bị thụt lùi so với những người xung quanh. Học tập tốt thể hiện ở phương pháp học tập đúng đắn. Đạt điểm số cao không đồng nghĩa với việc học tốt. Có những người chỉ vì để có được điểm cao đã dùng những thủ đoạn như quay cóp, chạy điểm. Những hành động như vậy không mang lại lợi ích cho bản thân chúng ta. Khi mà trong đầu không có kiến thức thực thì ra đời không bao giờ có thể thành công. Những người học tập tốt thường say sưa nghe thầy cô giảng bài, khi về nhà lại không ngừng tự học, nhờ vậy mà họ có kiến thức và gặt hái được nhiều thành công về sau.

Bên cạnh học tập tốt, con người cũng cần phải lao động tốt. Lao động phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Lao động là hình thức để con người tạo ra của cải vật chất cho xã hội và cho chính mình. Việc trộm cắp thì không thể gọi là lao động bởi đó là hành vi xấu đáng bị lên án trong xã hội. Bác Hồ dạy chúng ta phải lao động tốt chính là khuyên chúng ta nên làm những việc có ích cho xã hội. Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, tùy thuộc vào sức lực của mình. Chẳng hạn như khi ở nhà có thể giúp bố mẹ một vài công việc như quét nhà, rửa cốc chén… Khi ở trường có thể tham gia vào những buổi lao động công ích làm sạch môi trường sống. Việc lao động tốt không chỉ giúp chúng ta cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn mà còn cho chúng ta những khoảng thời gian tươi đẹp để gắn kết với nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, là học sinh thì nhiệm vụ chính của chúng ta lúc này vẫn là học tập tốt. Chỉ có học tập tốt thì sau này chúng ta mới có thể lao động tốt. Như vậy, lao động tốt chính là hệ quả tất yếu của việc học tập tốt.

Bác Hồ khuyên dạy thiếu niên nhi đồng Học tập tốt, lao động tốt là vì Bác đã sớm nhận thấy mối quan hệ mật thiết giữa học tập và lao động. Chúng ta học tập tốt để lao động tốt mà muốn lao động tốt thì phải học tập tốt. Lời của Bác không chỉ là lời khuyên dạy mà còn như một lời khích lệ hướng con người tới lẽ phải, sống một cách đúng đắn và trở thành người có ích.

6. Một số câu hỏi thường gặp về 5 điều Bác Hồ dạy

Điều thứ 3 trong 5 điều bác hồ dạy là gì ?

Điều thứ 3 trong 5 điều Bác Hồ răng dạy chính là "Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt". Điều này nói lên mỗi con người chúng ta phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn và chấp hành tốt các quy định các nhà trường và luật pháp xã hội. 

Điều thứ 4 trong 5 điều bác hồ dạy là gì ?

Điều thứ 4 trong 5 điều Bác Hồ răng dạy chính là "Giữ gìn vệ sinh thật tốt". Bác Hồ muốn khuyên nhủ chúng ta là phải luôn biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở, trường học, nơi công cộng một cách sạch sẽ, bảo vệ môi trường. 

5 điều Bác Hồ dạy chế ?

Hầu như ai cũng thuộc 5 điều Bác Hồ dạy và cũng có rất nhiều cách nghĩ sai lầm là chỉ có trẻ thơ mới rèn luyện, học tập. Tuy nhiên, ngay sau đoạn nêu 5 điều căn dặn, Người viết: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”

Chính vì thế, có rất nhiều người nghi ngờ những lời khuyên này còn nhằm tới đối tượng người lớn, các cán bộ đang giữ các chức vụ trong xã hội. Bởi những phẩm chất đó không chỉ một sớm một chiều là làm đươc mà phải qua quá trình học tập và rèn luyện lâu dài.

Nhưng nhìn chung, mỗi công dân cần phải học tập, rèn luyện những phẩm chất đạo đức và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy để gìn giữ và xây dựng đất nước nước ngày càng giàu mạnh. 

Trên đây là 5 điều Bác Hồ dạy mà đội ngũ INVERT chúng tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Mong rằng thông qua bài viết này các bạn hoàn toàn có thể biết được 5 điều Bác Hồ dạy. Nếu có gì thắc mắc bạn cũng có thể bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn. Xin cảm ơn!

Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết Giáp Thìn 2024? Đếm ngược Tết 2024

Nguồn: Invert.vn

Tags: 5 điều bác hồ dạy là gìviệt 5 điều bác hồ dạyviệt đoạn văn về 5 điều bác hồ dạy5 điều bác hồ dạy thiếu nhi5 điều bác hồ dạy là gì
Đồng Phục Trang Anh

Bình luận (1)

Gửi bình luận của bạn

(*) yêu cầu nhập

Nội dung bình luận (*)
Họ tên
Email
Dự Án Tại TP. Hồ Chí Minh