Anh Thành Trần là hành khách đi trên một trong những chuyến bay cuối cùng từ trung tâm dịch Covid-19 châu Âu trở về Việt Nam ngày 16/3. Dưới đây là là chia sẻ của anh về hành trình về Việt Nam
“Điều quan trọng nhất không phải là có bị nhiễm Covid -19 hay không, mà là có về được Việt Nam hay không!”
“Humanitarian airlines là hãng hàng không nhân đạo. Đó là nhận định cá nhân của tôi khi may mắn được bước lên chuyến bay Vietnam Airlines cuối cùng từ tâm bão dịch châu Âu để về với Đất Mẹ. Một chuyến bay chỉ có 18 hành khách trên chiếc máy bay 300 chỗ.
Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay cứu nạn!
EU sẽ chính thức đóng cửa biên giới 12h trưa ngày 17.3, cấm toàn bộ các chuyến bay đến châu Âu cũng như giữa các nước châu Âu.
Hiện tại (ngày 16/3) có một số máy bay của Vietnam Airlines đậu ở Heathrow, CDG và Frankfurt airports và sẽ xuất phát lúc 14h. Các chuyến bay này sẽ là đợt bay cuối cùng để “giải cứu” người Việt ở châu Âu.
Một khung cảnh chưa bao giờ từng thấy ở quầy check-in. Một hàng những người châu Âu tìm cách đến Việt Nam tránh nạn. Họ đã đặt vé của Vietnam Airlines nhưng bị từ chối xuất vé vì chỉ những ai có hộ chiếu hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam mới có thể lên những chuyến bay này.
Tuy nhiên, nếu không có hộ chiếu Việt Nam nhưng là người Việt, nói tiếng Việt thì họ cũng cho lên. Trong 18 người trên chuyến bay thì 17 người là người Việt, người còn lại không phải người Việt nhưng bằng cách nào đó vẫn được lên.
Trong cái hàng người đó, có thể dễ nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng của những người đàn ông trung niên. Có một đôi trẻ nói rằng cho tôi bay đi đâu cũng được, miễn là ra khỏi châu Âu. Có lẽ họ sẽ xin tị nạn.
Thật không ngờ có một ngày “fall of Europe” (châu Âu sụp đổ) thế này, khi mà người của lục địa già đã quá quen với việc người của họ được giải cứu từ những nơi kém phát triển hơn, nay lại phải đi lánh nạn nơi khác.
Sân bay rất vắng, có lẽ là nhân viên hàng không còn nhiều hơn hành khách! Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang, trái ngược lại với khung cảnh kì thị khẩu trang đang diễn ra ở những nơi dịch chưa hoành hành dữ dội.
Có một lúc tôi vô tình kéo khẩu trang xuống khi đang qua kiểm tra an ninh thì được một nhân viên kiểm soát người Đức nhắc “put your mask on!” (Đeo khẩu trang lên). Tôi không tin vào tai mình. Một người châu Âu nhắc người khác đeo khẩu trang! Tôi cảm thấy tin tưởng lại tình người mà tôi đã đặt dấu chấm hỏi từ khi cái phong trào kì thị khẩu trang của hội anti-mask zombie xuất hiện
Khách trên chuyến bay đến từ nhiều nơi, ngoài Đức ra có Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển. Họ đều quan ngại về miễn dịch bầy đàn, về chính sách, văn hoá châu Âu và cũng có nhiều câu chuyện về kì thị khẩu trang, kì thị người châu Á từ khi dịch bệnh xuất hiện.
Ở Hà Lan có người bị đánh, không rõ vì là người Á, vì đeo khẩu trang hay cả hai. Một bác già có hai cháu ngoại sinh ra ở Đức chở ra sân bay, kể khi bác đeo khẩu trang lên hai đứa chúng nó cười hô hố: “Ông bị hâm à?”
Khi lên máy bay, tất cả mọi người đều được phát khẩu trang và sát khuẩn tay. Tiếp viên mặc đồ bảo vệ từ đầu đến chân, đeo kính mắt và găng tay. Đồ ăn tất cả được bọc cẩn thận. Nhà vệ sinh của hành khách và tiếp viên riêng biệt, không dùng chung.
Tôi hầu như không ngủ trên cả chuyến bay, nghĩ đến những gì đang xảy ra ở châu Âu. Nhất là nghĩ đến con số người chết ở Ý. Trong một ngày hôm qua thôi mà gần 400 người chết. Chết nhiều thế thì người ta xử lý xác thế nào?
Đối với người Việt theo đạo ông bà thì luôn có sự liên kết giữa người trần và tổ tiên, chuyện thờ cúng, ma chay, cải táng là rất quan trọng. Có lẽ người châu Âu quan niệm chết đơn giản là lên thiên đàng, chết kiểu gì cũng như nhau nên họ mới chủ quan, chẳng quan tâm đến dịch bệnh đến vậy. Đại dịch này sẽ thay đổi rất nhiều thứ.
Cảm giác của tôi khi đáp xuống Vân Đôn như được sống lại
Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. “Sống rồi.” Vì biết rằng về đến Việt Nam là chạy thoát khỏi ổ dịch. Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là có bị nhiễm Covid -19 hay không, mà là có về được Việt Nam hay không!
Kể cả nếu dương tính thì ngay lập tức được theo dõi chữa trị, còn ở lại châu Âu thì sẽ bị trả về nhà tự đương đầu với bệnh tật.
Máy bay đã đáp xuống sân bay nhưng phải chờ khá lâu, tầm 1 tiếng mới được ra. Nhiều người lo lắng “nhỡ nó lại bay lại châu Âu thì sao.” Tây Ban Nha thông báo sẽ đóng biên hôm thứ hai, nhưng sập quá nhanh vào thứ bảy làm một số máy bay đang bay đến phải quay đầu lại.
Khi bước khỏi máy bay, tất cả mọi người và hành lý đều được khử trùng. Tất cả mọi nhân viên hải quan, y tế lẫn lái xe đều mặc đồ bảo hộ kín mít.
Hiện tại, chính sách là ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, và máy bay “giải cứu” chỉ ành cho người Việt, nhưng nếu có người nước ngoài nào đến được Vân Đồn thì cũng được cho đi cách ly như người Việt hết.
Kiểm tra thân nhiệt và khai báo, ai nhiệt độ cao hoặc khai là có dấu hiệu ho sốt trong vòng 14 ngày đổ lại lập tức được chở đến bệnh viện để kiểm tra. Khử trùng liên tục, bước vào phòng khám khử một lần, ra khỏi phòng khử một lần nữa. Một nhân viên y tế hỏi: “Có ai đến từ ổ dịch không?” Tất cả nói, ở châu Âu bây giờ chỗ nào chẳng là ổ dịch.
Các xe quân sự chở “Việt Kiều hồi hương” theo từng nhóm phân theo máy bay đến các trung tâm cách ly ở các tỉnh khác nhau. Trên đường đi, quan sát thấy hầu hết mọi người, kể cả ở quán xá ven đường đều đeo khẩu trang.
Nhóm chúng tôi được điều đến doanh trại quân sự ở Bắc Ninh. Có hai lựa chọn, nếu ở doanh trại thì cách ly tập trung, 3 người một phòng, miễn phí hết mọi thứ, còn nếu ở khách sạn (cũng cách ly và có bộ đội quản lý) thì được ở một mình nhưng tự chi trả chi phí.
Ai ở phòng người nấy, không được ra khỏi phòng, kể cả hành lang. Có người mang cơm nước đến. Có người đến kiểm tra sức khoẻ, đo nhiệt độ thường xuyên. Người nhà có thể đến tiếp tế đồ dùng, thực phẩm, nhưng chỉ có mang vào chứ không được mang gì ra. Tất cả những gì mang ra đều được xử lý như rác thải sinh học.
Từ lúc lên máy bay, xuống sân bay đến nơi cách ly, có cảm tưởng như đang ở trong một "cuộc chiến". Bây giờ đã hiểu vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc, nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít và chưa có người tử vong.
Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, và ngay từ đầu không chủ quan cho rằng covid-19 chỉ như cúm mùa. Trong khi đó châu Âu đã phớt lờ cảnh báo của WHO, nay tan vỡ hoàn toàn.
Trong khi đó châu Âu đã phớt lờ cảnh báo của WHO. Còn ở Việt Nam thì làm mạnh tay nhưng không có ai chết. Trong khi đó ở châu Âu mọi thứ trông đều yên bình, mọi người vẫn vui vẻ, thì Covid-19 lặng lẽ thâm nhập vào cái sự bình yên và lạc quan giả tạo ấy. Và một khi nó đã bùng nổ thì số lượng chết là hàng trăm, và có thể tới hàng nghìn người MỖI NGÀY”.
Như vậy. Trong ngày 16/3, 4 chuyến bay chở 180 hành khách người Việt từ Châu Âu đã về nước. Các công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đều được cách ly y tế theo quy định
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập
Bình luận (1)
# 19 Tháng Ba, 2020
Khi hoạn nạn thì mới nghỉ về quê hương.mới nhận ra mình là người Việt.thậm chí có nhiều người khi ở nước ngoài ỷ lại còn nói xấu nữa chứ.giờ thì sao.quê hương mới là chùm khế ngọt đó mọi Việt Kiều à.