Bạn đang tìm kiếm bản đồ Quận Tân Phú khổ lớn hay bản đồ hành chính các Phường tại Tân Phú nhằm tra cứu thông tin quy hoạch nhà đất, ranh giới địa lý tại khu vực.
Chúng tôi Invert tổng hợp chia sẻ về bản đồ quận Tân Phú phóng to. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp, chia sẻ quá trình hình thành và phát triển của các con đường tại Quận Tân Phú chi tiết".
Giới thiệu sơ lược về Quận Tân Phú
Quận Tân Phú trước đây là một xã của Quận Tân Bình. Năm 2003, Quận Tân Phú được thành lập trên cơ sở tách ra từ Quận Tân Bình thuộc vùng Đông Nam Bộ, là quận nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh nằm từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến tả ngạn sông Vàm Cỏ, Phía đông giáp quận Tân Bình; phía tây giáp quận Bình Tân; phía nam giáp Quận 6 và Quận 11; Phía bắc giáp Quận 12.
Diện tích đất tự nhiên 15,97 km² và dân số năm 2019 khoảng 485.348 người, chia làm 11 phường: Hiệp Tân, Hòa Thạnh, Phú Thạnh, Phú Thọ Hòa, Phú Trung, Sơn Kỳ, Tân Quý, Tân Sơn Nhì, Tân Thành, Tân Thới Hòa, Tây Thạnh. Trong đó, phường Hòa Thạnh là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính của quận.
Bản đồ hành chính Quận Tân Phú khổ lớn
Tìm hiểu chi tiết về Quận Tân Phú
Năm 2003, quận Tân Phú được thành lập trên cơ sở tách ra từ quận Tân Bình. Địa danh Tân Bình đã xuất hiện ở Nam bộ từ hơn 300 năm qua, khi thì chỉ huyện, phủ, tỉnh, quận với các địa phận rất khác nhau qua các thời đại. Địa danh Tân Phú cũng đã được hình thành cách đây hơn 50 năm, khi đó Tân Phú là một xã của quận Tân Bình xưa.
Tân Bình là địa danh được hình thành rất sớm khi nền hành chính được thiết lập ở vùng đất Nam bộ:
Huyện Tân Bình – năm Mậu Dần (1698), Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thấy nơi đây đã có dân cư trên 4 vạn hộ và dất đai đã khai mở hàng ngàn dặm; ông liền lấy đất Nông Đại lập phủ Gia Định gồm huyện Phước Long trên đất Đồng Nai và huyện Tân Bình trên đất Sài Gòn. Huyện Tân Bình khi đó rất rộng, nằm từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến tả ngạn sông Vàm Cỏ, có diện tích khoảng 11.000 km2, tức trên 1/5 diện tích toàn Nam bộ (63.058 km2).
Phủ Tân Bình – năm 1808, huyện Tân Bình được thăng lên thành phủ Tân Bình coi 4 huyện: Bình Dương, Tân Long, Thuận An, Phước Lộc. Diện tích vẫn như thế.
Năm 1832, phủ Tân Bình cắt đất lập thêm phủ Tân Long và có diện tích còn khoảng 6.080 km2.
Năm 1838, đặt thêm phủ Tây Ninh, nên phủ Tân Bình chỉ còn lại diện tích khoảng 1.280 km2.
Năm 1841, phủ Tân Bình coi 3 huyện: Bình Dương, Tân Long, Bình Long (mới lập gồm đất Hóc Môn, Củ Chi). Diện tích vẫn như trên.
Năm 1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định.
Năm 1862, triều đình Huế phải chịu để cho Pháp 3 tỉnh miền Đông làm thuộc địa (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Pháp liền đổi lại cơ cấu hành chánh phủ Tân Bình, gồm 3 huyện Bình Dương, Tân Long và Phước Lộc. Diện tích cũng như trên.
Năm 1867, Pháp cưỡng chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Sau đó, Pháp bỏ danh xưng phủ Tân Bình mà chia tỉnh Sài Gòn (trước ta gọi Gia Định) làm 7 địa hạt tham biện: hạt Sài Gòn (trên địa bàn phủ Tân Bình trước đó), hạt Chợ Lớn, hạt Phước Lộc, hạt Tân Hòa, hạt Tân An, hạt Tây Ninh, hạt Quang Hóa. Hạt Sài Gòn cai quản 2 huyện Bình Dương và Bình Long.
Năm 1872, hạt Sài Gòn gồm 3 huyện Bình Dương, Bình Long, Ngãi An (tức Thủ Đức, trước thuộc tỉnh Biên Hòa). Như vậy, địa danh Tân Bình không còn mà địa phận Tân Bình xưa cũng bị cắt xén, sát nhập rất phức tạp, từ đó người ta không còn nhắc đến tên Tân Bình cho đến năm 1944.
Ngày 11/5/1944, chính quyền thuộc địa ra Nghị định thiết lập tỉnh Tân Bình bao quanh địa phương Sài Gòn – Chợ Lớn nói là để cho công cuộc đô thị hóa, nhưng là để bảo vệ an ninh cho Sài Gòn – Chợ Lớn. Tỉnh Tân Bình mới lập đặt tỉnh lỵ tại xã Phú Nhuận và gồm 3 khu vực:
- Khu vực Gia Định có các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Hòa, Phú Nhuận, Hanh Thông, Hanh Thông Tây, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, An Hội.
- Khu vực Thủ Thiêm có xã An Khánh.
- Khu vực Nhà Bè có các xã Tân Thuận Đông, Tân Quy Đông, Phú Mỹ Tây, Phước Long Đông, Phú Xuân Hội là một phần Long Đức Đông.
Tỉnh Tân Bình thiết lập chẳng bao lâu thì bùng nổ cách mạng tháng 8 (đồng chí Dương Đình Thảo tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tỉnh Tân Bình ngày 25/8/1954). Dưới thời kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), không ai nhắc đến tên tỉnh Tân Bình nữa.
Sắc lệnh ngày 22/10/1956 của chính quyền Sài Gòn quyết định “thay đổi địa giới và tên đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh Nam Việt”. Theo đó, tỉnh Gia Định gồm 8 quận, trong đó có quận Tân Bình rộng 113,8 km2 với 418.781 người dân (thống kê năm 1970) chia ra 7 xã: Bình Hưng Hòa, Phú Nhuận, Phú Thọ Hòa, Tân Phú, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Vĩnh Lộc.
Sau năm 1975, địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gồm Sài Gòn – Chợ Lớn và Gia Định. Quận Tân Bình thu nhỏ hẹp lại và trở nên một quận nội thành thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 3/12/2003, quận Tân Phú được thành lập trên cơ sở tách quận Tân Bình thành 2 quận là quận Tân Bình và quận Tân Phú. Quận Tân Phú gồm một phần phường 14, một phần phường 15 và toàn bộ các phường 16, 17, 18, 19 và 20 của quận Tân Bình cũ, các phường của quận Tân Phú được hình thành như sau:
+ Phường Tân Sơn Nhì: một phần của phường 14 quận Tân Bình cũ
+ Phường Tây Thạnh: một phần của phường 15 quận Tân Bình cũ
+ Phường Sơn Kỳ: một phần của phường 16 quận Tân Bình cũ
+ Phường Tân Quý: một phần của phường 16 quận Tân Bình cũ
+ Phường Tân Thành: một phần của phường 17 quận Tân Bình cũ
+ Phường Phú Thọ Hòa: một phần của phường 17 và một phần của phường 18 quận Tân Bình cũ
+ Phường Phú Thạnh: một phần của phường 18 quận Tân Bình cũ
+ Phường Hoà Thạnh: một phần của phường 19 quận Tân Bình cũ
+ Phường Phú Trung: một phần của phường 19 quận Tân Bình cũ
+ Phường Hiệp Tân: một phần của phường 20 quận Tân Bình cũ
+ Phường Tân Thới Hòa: một phần của phường 20 quận Tân Bình cũ
Lược sử địa danh Tân Bình – Tân Phú nêu trên gắn liền với quá trình hình thành và phát triển quận Tân Bình, Tân Phú qua từng giai đoạn cách mạng.
BIỂU TƯỢNG QUẬN TÂN PHÚ
Logo cách điệu hình ảnh bàn tay đang nâng 2 chữ cái TP (Tân Phú). Đây là những bàn tay của người dân góp sức chung tay xây dựng quận Tân Phú ngày càng phát triển.
Thuyết minh ý tưởng thiết kế logo: Nhìn tổng thể toàn bộ logo mang hình ảnh một đô thị phát triển. Các hình vuông chồng lên nhau là cách điệu các tòa nhà cao tầng hiện đại, Logo thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của quận Tân Phú trong tương lai.
Hình ảnh cách điệu bàn tay cũng đồng thời cách điệu các sông nhỏ, kênh rạch thể hiện đặc trưng của quận Tân Phú có rất nhiều kênh rạch.
Các hình vuông tạo nên chữ cái TP (Tân Phú) được lấy ý tưởng từ hình dáng địa đạo Phú Thọ Hòa. Địa đạo Phú Thọ Hòa có kích thước đặc biệt so với địa đạo Củ Chi và Vịnh Mốc. Địa đạo Phú Thọ Hòa hình vuông (0,8m x 0,8m ) còn hai địa đạo còn lại đều có hình chữ nhật: Củ Chi (0,9m x 1,1 m) , Vịnh Mốc (0,9m x 1.75m).
Tóm lại logo cách điệu 2 chữ cái TP và mang hình ảnh của một đô thị phát triển, thể hiện được đặc trưng của quận Tân Phú là nhiều kênh rạch và có địa đạo Phú Thọ Hòa. Logo vừa thể hiện sự phát triển của một đô thị hiện đại dựa trên truyền thống đấu tranh hào hùng thông qua hình ảnh địa đạo Phú Thọ Hòa. Đồng thời logo cũng thể hiện sự đoàn kết của người dân cùng chung tay xây dựng quận Tân Phú trở thành một quận giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
Màu sắc:
- Màu xanh lá cây: Thể hiện quận Tân Phú là một đô thị phát triển bền vững hài hòa cùng môi trường.
- Màu cam: Thể hiện sự phát triển sôi động của một đô thị mới.
Tác giả Nguyễn Hữu Khánh
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập