Bạn đang tìm kiếm bản đồ Quận Phú Nhuận khổ lớn hay bản đồ hành chính các Phường tại Phú Nhuận nhằm tra cứu thông tin quy hoạch nhà đất, ranh giới địa lý tại khu vực.
INVERT tổng hợp chia sẻ về bản đồ quận Phú Nhuận phóng to. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp, chia sẻ quá trình hình thành và phát triển của các con đường tại Quận Gò Vấp".
Giới thiệu sơ lược về Quận Phú Nhuận
Quận Phú Nhuận nằm ở vị trí trung tâm khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất tự nhiên khoảng 4,86 km² (dân số năm 2019 khoảng 163.961 người), chia làm 13 phường gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 13, 15, 17.
Ngày 2/7/1976 Quận Phú Nhuận được thành lập và vị trí tiếp giáp các quận như sau: Phía Đông giáp ranh giới quận Bình Thạnh; phía Tây giáp ranh giới quận Tân Bình; phía Nam giáp ranh giới quận 1 và quận 3; phía Bắc giáp ranh giới quận Gò Vấp.
Bản đồ hành chính Quận Phú Nhuận
Tìm hiểu những con đường tại Phú Nhuận
1. Đường Hoàng Diệu:
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 10, quận Phú Nhuận, từ đường Trương Quốc Dung đến đường Đặng Văn Ngữ, dài khoảng 300 mét, lộ giới 16 mét.
- Lịch sử: trước là con hẻm, từ năm 1955 được đặt tên đường Hoàng Diệu cho đến nay.
- Tiểu sử: Hoàng Diệu (Mậu Tý 1828 – Nhâm Ngọ 1882)
Ông là là Chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trước vốn tên Hoàng Kim Tích, sau đổi là Hoàng Diệu. Ông sinh ngày 10 tháng 02 năm 1828, đỗ cử nhân khoa Mậu Thân 1848 và Phó bảng khoa Quý Sửu 1853, lúc 25 tuổi.
2. Đường Hồ Văn Huê:
- Lộ trình: Từ đường Nguyễn Kiệm đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc phường 9 quận Phú Nhuận, dài khoảng 800 mét, lộ giới 20 mét.
- Lịch sử: đường này được xây dựng từ năm 1989 và ngày 28/8/1991 đặt tên đường Hồ Văn Huê.
- Tiểu sử: Hồ Văn Huê (Đinh Tỵ 1917 – Bính Thìn 1976)
Ông là Bác sĩ, Đại tá quân y Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở thị xã Tân An (nay thuộc tỉnh Long An).
Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề thuốc Bắc. Mồ côi cha mẹ hồi còn nhỏ tuổi, nhờ anh ruột là Hồ Văn Ngà nuôi cho ăn học, năm 1938 ông thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Hà Nội, năm 1944 tốt nghiệp, ông về phục vụ tại bệnh viện của sở cao su Quản Lợi (nay thuộc tỉnh Bình Phước).
3. Đường Nguyễn Đình Chiểu:
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 3, 4 quận Phú Nhuận, từ đường Thích Quảng Đức đến đường Nguyễn Kiệm, dài khoảng 400 mét, lộ giới 20 mét.
- Lịch sử: trước là hẻm Lê Văn Bền, từ năm 1955 được đặt tên đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến nay.
- Tiểu sử: Nguyễn Đình Chiểu (Nhâm Ngọ 1822 – Mậu Tý 1888).
Ông là Danh sĩ cận đại, hiệu Trạch Phủ, con cụ Nguyễn Đình Huy và Trương Thị Thiệt quê làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Thân phụ ông vốn ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Năm Quý Mão 1843, ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Năm 1847, ông ra Huế học thêm để chờ khoa thi Kỷ Dậu 1849 sắp tới. Bỗng được tin mẹ mất. Ông trở về chịu tang, dọc đường bị bệnh rồi mù cả đôi mắt.
“Lỡ bể báo hiếu, lỡ bề lập thân”, từ ấy ông an phận ở Gia Định, rồi dạy học, nhân dân xưng tụng ông là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu.
4. Đường Thích Quảng Đức:
- Lộ trình: Từ đường Nguyễn Kiệm đến đường Phan Đăng Lưu thuộc phường 3, 4, 5 quận Phú Nhuận, dài khoảng 860 mét, lộ giới 20 mét.
- Lịch sử: trước đường này là đường làng số 19. Ngày 08/2/1955 đặt tên đường Nguyễn Huệ. Ngày 14/8/1975, đổi tên là Thích Quảng Đức.
- Tiểu sử: Thích Quảng Đức (Đinh Dậu 1897 – Quý Mão 1963).
Tức Bồ tát Quảng Đức, tên thật là Nguyễn Văn Kiết, nguyên tên là Lâm Văn Tuất (vì làm con nuôi Hòa thượng Thích Hoằng Thâm họ Nguyễn – Cậu ruột ông), quê làng Hội Khách, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Song thân ông là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương là một gia đình có truyền thống tín ngưỡng đạo Phật.
5. Đường Cao Thắng:
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 17, quận Phú Nhuận, từ đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Văn Trỗi, dài khoảng 200 mét, lộ giới 12 mét.
- Lịch sử: trước là đường Rue du Marché, từ năm 1955 đổi là đường Xã Tài. Năm 1959 đổi tên là đường Cao Thắng cho đến nay.
- Tiểu sử: Cao Thắng (Ất Sửu 1865 – Quý Tỵ 1893).
Ông là Danh tướng của Phan Đình Phùng, đóng góp rất nhiều công lao kháng Pháp. Quê làng Lê Động, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở trẻ ông được anh của Phan Đình Phùng là Phan Đình Thuật nuôi dạy. Đến khi Phan Đình Phùng khởi nghĩa, ông cùng với em là Cao Nữu, bạn là Nguyễn Kiểu tham gia, phục vụ đắc lực, trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nghệ Tĩnh.
6. Đường Cầm Bá Thước:
- Lộ trình: Từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Phan Xích Long thuộc phường 2, 7 quận Phú Nhuận (do mới mở rộng thêm theo dự án khu dân cư Rạch Miễu), dài khoảng 1100 mét, lộ giới 12 mét.
- Lịch sử: trước đường này là con hẻm, được mở rộng từ năm 1955 đặt tên đường Trình Minh Thế. Năm 1975 đổi tên là đường Cầm Bá Thước.
- Tiểu sử: Cầm Bá Thước (Mậu Ngọ 1858 – Ất Mùi 1895).
Chiến sĩ phong trào Cần Vương kháng Pháp trong đời Hàm Nghi, người dân tộc Thái ở châu Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, con quản cơ Cầm Bá Tiêu.
Ông nguyên là tù trưởng dân tộc thiểu số ở thượng du Thanh Hóa, tiếng gọi kháng chiến dưới cờ khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Ông cầm đầu các đội quân thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Tống Duy Tân, từng được cử làm Bang biện hai châu Thường Xuân và Lang Chánh. Chính ông đã chủ trương kinh tài bằng cách đem ngọc quế để Nghĩa đảng bán lấy tiền mua quân lương, khí giới. Ông hy sinh năm 1895.
7. Đường Hồ Biểu Chánh
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 11, 12 quận Phú Nhuận, từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Huỳnh Văn Bánh và một phần thuộc Quận 3, dài khoảng 461,5 mét, lộ giới 14 mét.
- Lịch sử: Trước là con hẻm. Sau năm 1954 được mở rộng và năm 1958 đặt tên là Hồ Biểu Chánh cho đến nay.
- Tiểu sử: Hồ Biểu Chánh (Giáp Thân 1884 – Mậu Tuất 1958).
Ông là nhà văn, tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên, con ông Hồ Hữu Tạo. Ông sinh năm 1884 (nhưng trong hộ tịch ghi nhỏ hơn một tuổi 01/10/1885) tại Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Khi viết văn, ông lấy tên tự ghép với họ là Hồ Biểu Chánh trở thành bút danh bất hủ, được nhiều người biết và quý mến.
8. Đường Trương Quốc Dung
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 8, 10 quận Phú Nhuận, từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Trần Hữu Trang, dài khoảng 672 mét, lộ giới 16 mét.
- Lịch sử: Lúc đầu gọi là hẻm Trần Tấn Nhứt (có tư liệu gọi là Bùi Tấn Nhất). Từ năm 1955 được đặt đường Trương Quốc Dụng cho đến nay (lâu nay chữ Dụng viết sót dấu thành chữ Dung, nên quen gọi là Trương Quốc Dung).
- Tiểu sử: Trương Quốc Dụng (Đinh Tỵ 1797 – Giáp Tý 1864).
Ông là danh sĩ đời Minh Mạng, tên cũ là Khánh, tự Dĩ Hành, hiệu Nhu Trung, con ông Trương Quốc Bảo. Quê ở xã Phong Phú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
9. Đường Duy Tân
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 15 quận Phú Nhuận, từ đường Huỳnh Văn Bánh đến đường Nguyễn Văn Trỗi, dài khoảng 448 mét, lộ giới 10 mét.
- Lịch sử: Trước là con hẻm phóng ngang một khu quần mộ lớn lâu đời, nay chỉ còn dấu vết một cổ mộ kiến trúc kiểu thế kỷ 19 không rõ xuất xứ (đã bị đào). Sau năm 1955 được đặt tên đường Duy Tân cho đến nay.
- Tiểu sử: Duy Tân ( Canh Tý 1900 - Ất Dậu 1945).
Là nhà vua yêu nước Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, sinh ngày 19/9/1900, con thứ 8 của nhà vua yêu nước Thành Thái (Nguyễn Phúc Bửu Lân). Khi lên ngôi lấy hiệu năm là Duy Tân nên cũng gọi là vua Duy Tân.
10. Đường Ký Con
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 7 quận Phú Nhuận, từ đường Phan Đăng Lưu đến đường Cầm Bá Thước, dài khoảng 192 mét, lộ giới 12 mét.
- Lịch sử: Trước là con hẻm. Từ năm 1955 được mở rộng và đặt tên đường Ký Con cho đến nay.
- Tiểu sử: Ký Con (Mậu Thân 1908 – Canh Ngọ 1930).
Là liệt sỹ, tên thật là Đoàn Trần Nghiệp, tục gọi là Ký Con. Quê ở làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông.
Về tên họ ông, theo Việt Dân Hoàng Văn Đào trong quyển Việt Nam Quốc dân Đảng: “Ông chính là họ “Đào” chứ không phải Đoàn. Thân phụ ông là Đào Văn Ba làm nghề kim hoàn, mẹ là Đinh Thị Thuận, khoảng năm 1927 ngụ ở số nhà 56 Hàng Bạc Hà Nội”.
11. Đường Lê Quý Đôn
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 12 quận Phú Nhuận, từ đường Huỳnh Văn Bánh đến giáp ranh quận 3, dài khoảng 150 mét, lộ giới 10 mét.
- Lịch sử: Trước là con hẻm, từ năm 1955 mới được đặt tên đường Lê Quý Đôn cho đến nay.
- Tiểu sử: Lê Quý Đôn (Bính Ngọ 1726 – Giáp Thìn 1784).
Ông là một nhà văn hóa lớn Việt Nam thời Hậu Lê, thưở nhỏ có tên là Lê Danh Phương, sau đổi là Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Quê ông ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình).
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời, thân phụ là Lê Phú Thứ làm quan triều Lê. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, có trí nhớ phi thường được người đương thời xem là thần đồng.
12. Đường Mai Văn Ngọc
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 10, 11 quận Phú Nhuận, từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Huỳnh Văn Bánh, dọc theo đường ray xe lửa, dài khoảng 205 mét, lộ giới 31,1 mét.
- Lịch sử: Đường này là hành lang an toàn của đường ray xe lửa. Năm 1955 được san bằng thành đường lộ và đặt tên là Lê Tự Tài. Ông Lê Tự Tài nguyên là xã trưởng của Phú Nhuận (còn gọi là xã Tài), là một trong những người có công huy động dân khai phá vùng Phú Nhuận vào giữa thế kỷ XIX. Đường này băng ngang qua Đình Phú Nhuận (là đình Làng, có sắc vua phong thời Tự Đức) được tái thiết năm 1852 trên “Gò Kim Qui” đất của ông xã Tài cống hiến, Đình hiện còn ở phường 10. Ngày 04/4/1985 đường được đổi tên thành đường Mai Văn Ngọc.
- Tiểu sử: Mai Văn Ngọc (Nhâm Ngọ 1882 – Nhâm Thân 1932).
Ông là chí sĩ, hiệu là Nhâm Sinh, tên thật là Mai Bạch Ngọc, quê làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).
13. Đường Nhiêu Tứ
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 7, quận Phú Nhuận, từ đường Trần Kế Xương đến khu dân cư Rạch Miễu, dài khoảng 210m, lộ giới 12m.
- Lịch sử: Trước là con hẻm vì bên đường có nhà ông Nhiêu Tứ, nên dân chúng quen gọi đường Nhiêu Tứ lâu thành chính thức.
- Tiểu sử: Nhiêu Tứ (Nhiêu là Nhiêu học: Nhà giáo, Tứ là tên)
Là nhân vật nhân dân quen gọi, không rõ tên họ là gì, quê quán, nhưng sinh cơ lập nghiệp ở đây lâu rồi.
Trước Cách mạng tháng 8, tại đây có ngôi trường mang tên Nhiêu Tứ, nay không còn nữa. Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, trường này là cơ sở của một nhóm nhà giáo yêu nước.
14. Đường Trần Kế Xương
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 7, quận Phú Nhuận, từ đường Phan Đăng Lưu đến giáp ranh đường Nguyễn Lâm quận Bình Thạnh, dài khoảng 616m, lộ giới 12m.
- Lịch sử: Từ năm 1955 được đặt tên đường Trần Kế Xương
- Tiểu sử: Trần Kế Xương (Canh Ngọ 1870 – Đinh Mùi 1907)
Còn được gọi là Trần Tế Xương, sinh ngày 5/9/1870. Quê làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là nhà thơ trào phúng, hiệu Vị Thành, đỗ tú tài năm Giáp Ngọ 1894 nên thường gọi là Tú Xương.
15. Đường Trần Cao Vân
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 12, quận Phú Nhuận, từ đường Huỳnh Văn Bánh đến đường Hồ Biểu Chánh, dài khoảng 165,5 mét, lộ giới 12 mét.
- Lịch sử: Từ năm 1955 được đặt tên đường Trần Cao Vân cho đến nay.
- Tiểu sử: Trần Cao Vân (Bính Dần 1866 – Bính Thìn 1916).
Là nhà yêu nước, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân, quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông tên thật là Trần Công Thọ, lúc lớn lên từng học và đi thi lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh là Như Ý, biệt hiệu là Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ. Khi ra hoạt động chống Pháp đổi tên là Trần Cao Vân.
16. Đường Trần Hữu Trang
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn các phường 10, 11, quận Phú Nhuận, từ đường Hồ Biểu Chánh đến đường Lê Văn Sỹ, dài khoảng 692 mét, lộ giới 16 mét.
- Lịch sử: Từ năm 1955 được đặt tên đường là Thiệu Trị. Ngày 04/4/1985 đổi là đường Trần Hữu Trang.
- Tiểu sử: Trần Hữu Trang (Bính Ngọ 1906 – Bính Ngọ 1966).
Là nhà soạn kịch, cải lương thường gọi là Tư Trang, quê ở Phú Kiết, Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ông nhiệt thành yêu nước, tham gia cách mạng, tích cực đóng góp tâm huyết trong cuộc Trường Chinh đuổi giặc xâm lược, góp công nhiều với Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
17. Đường Trần Khắc Chân (tên chính xác là Trần Khát Chân)
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 9, 15 quận Phú Nhuận, từ đường Nguyễn Trọng Tuyển đến đường Hồ Văn Huê, dài khoảng 587 mét, lộ giới 16 mét.
- Lịch sử: Từ năm 1955 được đặt tên là Trần Khắc Chân.
- Tiểu sử: Trần Khát Chân (Canh Tuất 1370 – Kỷ Mão 1399).
Ông là danh tướng trong lịch sử Việt Nam thời nhà Trần, thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Quê ở làng Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
18. Đường Phổ Quang.
Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận và một phần quận Tân Bình, từ đường Hoàng Minh Giám đến giáp đường Phan Đình Giót – quận Tân Bình. Đoạn đường nằm trên địa bàn quận Phú Nhuận dài khoảng 300 mét, lộ giới 20 mét.
Lịch sử: Trong kháng chiến chống Mỹ, đường này thuộc khu vực quân sự. Năm 1985 giải tỏa cho dân chúng sử dụng, nhân đường đi vào chùa Phổ Quang nên đặt tên luôn đường Phổ Quang.
19. Đường Lam Sơn
- Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 5, quận Phú Nhuận, từ đường Phan Đăng Lưu giáp với hẻm 40 Nguyễn Văn Đậu (giáp ranh giữa quận Phú Nhuận với quận Bình Thạnh), dài khoảng 250 mét, lộ giới 16 mét.
- Lịch sử: Từ năm 1955 được đặt tên đường Lam Sơn cho đến nay
Tiểu dẫn: Lam Sơn là vùng núi thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Đây là nơi nhà yêu nước Lê Lợi quy tụ nhân tài hào kiệt chống lại bọn phong kiến phương Bắc đô hộ. Trải bao gian khổ, sau 10 năm trời chiến đấu, ông mới giải phóng được đất nước.
Khi lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái Tổ đặt kinh đô ở Thăng Long. Lam Sơn được gọi là Lam kinh, nơi có mồ mả tổ tiên các vua Lê.
Tạm kết
Trên địa bàn quận Phú Nhuận, ngoài các con đường mang tên những nhân vật lịch sử, thì tại khu dân cư Rạch Miễu quanh tuyến đường Phan Xích Long (phường 2, 7) còn có mười ba con đường mang tên các loài hoa: Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Đào, Hoa Cau, Hoa Cúc, Hoa Sứ, Hoa Huệ, Hoa Sữa, Hoa Lài, Hoa Trà, Hoa Thị. Những con đường “hoa” này hình thành từ kết quả thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, biến khu đầm lầy, ao tù nước đọng thành khu đô thị khang trang với nhiều biệt thự sân vườn, nhà phố bên cạnh với những hàng cây xanh chạy dài thẳng tắp. Những tuyến đường này quy tụ khá đầy đủ dịch vụ từ giáo dục, y tế (các trường quốc tế, trung tâm tiếng Anh, bệnh viện tư nhân...), ngân hàng, công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực, dịch vụ lưu trú du lịch, khách sạn, trung tâm sinh hoạt thể dục thể thao.
Đặc biệt là các nhà hàng với các món ăn dân tộc Bắc, Trung, Nam và các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Mông Cổ v.v… thu hút người dân thành phố đến thưởng thức. Tuy đây không phải khu vực trồng nhiều hoa, song những con đường đặt theo tên các loài hoa này đã trở thành một điều thú vị, lạ lẫm.
Bên cạnh những con đường “hoa”, Phú Nhuận còn có những con đường mang tên địa danh và sự kiện như: Trường Sa, Chiến Thắng. Đường Trường Sa nằm trên các phường 2, 12, 13, 14, 17 chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối tạo mạch giao thông nối liền Phú Nhuận và các quận nội thành như quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh.
Đường Trường Sa thể hiện tinh thần hướng về biển đảo Tổ quốc của Thành ủy, Ủy ban nhân dân và toàn thể người dân TP. Hồ Chí Minh. Để có con đường khang trang này, trong các năm từ 1993 - 1998, lãnh đạo thành phố thực hiện chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà xuống cấp ven kênh và làm lại tuyến đường trên.
Đường Chiến Thắng: nằm trên địa bàn phường 9, từ Nguyễn Kiệm đến đường Hoàng Văn Thụ. Đường này là hành lang an toàn của đường ray xe lửa. Năm 1960 được đặt tên là Lê Hữu Từ, sau ngày 30/4/1975 để kỷ niệm ngày chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, đường này được đổi tên thành “Chiến thắng”.
Nguồn: Invert.vn
Gửi bình luận của bạn
(*) yêu cầu nhập